Đường dẫn hình ảnh không chính xác.
Máy chủ không hỗ trợ hàm GD cần thiết để xử lý loại ảnh này.
“Phải nói rằng sân golf không có lỗi gì cả, vì nếu bố trí đúng còn đem lại nhiều lợi ích. Chúng ta không thể nhìn sân golf chỉ như một thứ đe dọa". Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời câu hỏi của nhân dân trong buổi Đối thoại trực tuyến với nhân dân thông qua cổng thông tin điện tử Chính phủ chiều 16/3.
Trước câu hỏi, trong nhiệm kì của Bộ trưởng có thêm sân golf nào được xây dựng không hoặc Bộ trưởng có tính đến chuyện quy hoạch và bỏ bớt sân golf trả lại đất sản xuất cho nông dân hay không, ông Bùi Quang Vinh cho biết “Phải nói rằng sân golf không có lỗi gì cả, vì nếu bố trí đúng còn đem lại nhiều lợi ích. Chúng ta không thể nhìn sân golf chỉ như một thứ đe dọa. Ví dụ, sân golf biến khu vực đất hoang hóa thành cơ sở du lịch, giải quyết việc làm… và nhiều nước đã thực hiện,.Việt Nam không phải là nước có nhiều sân golf”.
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc lấy đất sản xuất nông nghiệp, đất lúa, đất rừng làm sân golf là chuyện không thể chấp nhận được. “Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một chỉ thị về tăng cường quản lý việc xây dựng các sân golf. Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ thị này cũng có nơi chưa được nghiêm”.
Ông Vinh thông báo thêm, tháng Hai vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị mới về sân golf. Trong đó có một số điểm quan trọng.
Một là rà soát lại các sân golf không đúng phép, kiên quyết loại bỏ. Thứ 2, kiểm tra, xử lý các các sân dùng đất màu, đất lúa, biến thành bất động sản. Thứ 3, quy định không sử dụng đất lúa (kể cả đất lúa 1 vụ kém năng suất), đất màu, đất rừng để làm sân golf. Cuối cùng, sân golf chỉ được xây dựng ở các vùng có tiềm năng du lịch và phải xây tiết kiệm.
“Như vậy, có thể nói rằng, không thể nói là trong nhiệm kỳ của tôi không có thêm một sân golf nào, mà phải có tiêu chí cụ thể. Tôi hi vọng nhân dân sẽ đồng thuận với quan điểm này”, Bộ trưởng cho biết.
"Không ai có thể nói rằng, ở Bộ mình, cơ quan mình, ngành mình là hoàn toàn không có tiêu cực" |
Liên quan đến vấn đề dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không đầu tư cho sản xuất mà đổ vào bất động sản, ông Vinh chia sẻ, về luật pháp, Việt Nam không cấm các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào bất động sản. “Đầu tư cho bất động sản cũng có đóng góp quan trọng nhưng nếu đầu tư quá mức vào lĩnh vực này gây ra những vấn đề căng thẳng, ảnh hưởng đến thị trường, kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, đây không phải lĩnh vực Nhà nước khuyến khích”.
Đến nay, theo thống kê của Bộ đầu tư FDI trong lĩnh vực bất động sản ngày càng giảm. Bình quân trong giai đoạn 2008 – 2010 là trên 34% trong tổng vốn FDI vào Việt Nam đầu tư vào bất động sản. Đây là con số đáng báo động. Nhưng năm 2011, cùng với các biện pháp quản lý vĩ mô, đầu tư vào bất động sản của các doanh nghiệp FDI giảm còn 7%.
Trước thắc mắc của người dân liệu có hiện tượng “chạy ngân sách, chạy vốn đầu tư” ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay không, ông Vinh chia sẻ “Tôi nghĩ rằng, không ai có thể nói rằng, ở Bộ mình, cơ quan mình, ngành mình là hoàn toàn không có tiêu cực. Vấn đề đặt ra là phải kiên quyết, có biện pháp, cơ chế quản lý sao cho dù có muốn cũng không thể tiêu cực được. Bộ đã và đang làm theo định hướng đó và cũng có kết quả hết sức tích cực, được các địa phương, bộ, ngành đánh giá rất cao”.
Ông tâm sự, ngay từ khi bước vào năm 2012, Bộ đã trình Chính phủ cơ chế mới để giảm bớt “xin cho” - nguyên nhân dễ dẫn đến tiêu cực. Đó là đề nghị Chính phủ cho công bố toàn bộ số vốn cho các địa phương, bộ, ngành trong năm, giao lại quyền phân bổ, lựa chọn cho Chủ tịch UBND các tỉnh và Bộ trưởng các bộ.
Với cách làm này, các địa phương sẽ chủ động biết 3-5 năm tới mình có bao nhiêu tiền, chủ động sử dụng sao cho hiệu quả nhất. “Đây là cơ chế được các tổ chức quốc tế, bộ, ngành địa phương đánh giá cao.Tôi nghĩ đây là việc làm quan trọng để thay đổi tư duy, thay đổi cơ chế “xin cho”.
Theo VTC News
info@brggroup.vn | Số 198 Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Việt Nam